Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Hà Lội: Bỗng Dưng Đô Thị

Ô Sin // April 21 2009

“Tổ Công Tác” được Hà Nội cho thành lập nhằm “rà soát, đánh giá” các dự án trên địa bàn cho rằng: “Trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà đầu tư khó lòng huy động được số vốn 336.559 tỷ đồng để thực hiện các dự án như họ từng cam kết”. Nhưng, điều ấy không hẳn là “đáng lo ngại” như cách nhìn của “Tổ Công Tác”. Điều gì sẽ xảy ra khi thị trường địa ốc 2008 “xuôi chèo mát mái” và hàng nghìn “khu đô thị” được phê duyệt như “chạy” cứ thế mọc lên.

Chiều 29-5-2008, Thủ tướng cho Quốc hội biết: “Trong phạm vi dự kiến mở rộng Hà Nội, có hơn 300 dự án đang chờ trình duyệt”; Rồi, Thủ tướng tha thiết: “Nếu việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để chậm lại thì các dự án này hoặc sẽ phải chờ đợi tiếp, hoặc nếu cho phép tiếp tục triển khai theo thẩm quyền của địa phương thì có thể sẽ không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai, sau này phải điều chỉnh lại sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội”.

Ngay trong chiều hôm ấy, 458/475 đại biểu Quốc hội, sau khi nghe theo Thủ tướng, đã yên lòng “bấm nút”. Nhưng, tổng số dự án được ký theo “thẩm quyền và tầm nhìn địa phương”, không những không dừng lại ở con số 300, mà cho đến ngày 1-8-2008, lên tới 772 với diện tích đất được duyệt là 75.695ha. Trong khi, tổng diện tích đất của toàn Hà Nội mở rộng cũng chỉ có 145.770ha, bao gồm cả Hà Nội và các thành phố cũ. Theo Bộ trưởng Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân, ý định mà Thủ tướng nói với Quốc hội: Thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm, lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội mở rộng đến năm 2030 với tầm nhìn 2050, thì phải đến cuối năm nay mới có thể trình ra được.

Không biết rồi Hà Nội sẽ xoay xở ra sao. Nếu muốn xây dựng một thủ đô “tầm nhìn 2050” chắc chắn chính quyền sẽ phải đối mặt với các chủ dự án hiện đang nắm giữ tiền bạc và, phía sau, có rất nhiều quyền lực. Trục giao thông Láng- Hòa Lạc, dài hơn 30km với 8 làn xe, còn lâu mới xây xong, nhưng mỗi mét đất mặt đường giờ đây đã thuộc về các đại gia địa ốc. Ngay khu vực 4 xã Hòa Bình cũ, dù chưa có quy hoạch chung nhưng vẫn có 13 đồ án đang được triển khai. Anh Quách Đình Tư, người ở xã Tiến Xuân kể, ngay khi Quốc hội “bấm nút”, các “thầy giáo” Hà Nội lên “dạy” ngay, từ nay bắt đầu “áp giá Hà Nội nhé”.

Cho dù, Hà Nội bây giờ mở lên tận Lương Sơn, thì như cách nói nôm na của người dân Mường sống lâu năm ở đây, “trung tâm vẫn là lăng Bác”. Nhiều dự án biệt thự cao cấp xây xong mấy năm nay vẫn còn bỏ không trên con đường ra sân bay Nội Bài. Nhiều dự án ở ngay Mỹ Đình hiện vẫn đang là chỗ tá túc của những đàn bò. Cho dù, vẫn có những nguồn tiền không rõ nguồn gốc đang đổ vào địa ốc, đô thị không tự nó mọc lên sau một quyết định, mà chỉ đi theo khả năng tăng trưởng của nền kinh tế và sự đầu tư thích hợp cho phát triển hạ tầng.

Từ nhiều năm trước, nhiều đại gia ở Hà Nội đã lên tận Lương Sơn, Ba Vì mua trang trại. Có quan chức mua cả một làng, một quả đồi. Cũng như, đã có rất nhiều đại gia lập trang trại ở khu vực Đại Lãi, mua nền nhà ở khu Tam Đảo. Không phải là địa giới hành chính mà nếu có giao thông tốt, thì sẽ có một bộ phận dân Hà Nội, những người giàu có và không bị ràng buộc bởi “8 giờ vàng ngọc”, thay vì sống giữa thành phố ồn ào, sẽ tìm đến Lương Sơn hay Tam Đảo.

Hà Nội sẽ lại chật hẹp và bức bối khi những cánh đồng lúa xanh ngắt chạy trong những thung sâu, giữa một bên sông Đáy một bên là “núi Tản”, bị “xuôi hóa” bằng nhà phố. Có 662 dự án khai thác đất trồng lúa hai vụ (50.000ha); 110 dự án còn lại sẽ sử dụng đất nông nghiệp một vụ, đồi gò hoặc đất sình lầy (26.000ha). Những dự án ấy đang đe dọa tương lai Hà Nội. Thay đổi tư duy đô thị thông qua hình ảnh Hà Nội hiện hữu để kiềm chế quá trình phát triển phần Mê Linh, Lương Sơn, Hà Tây và xem lại phương thức “duyệt dự án” theo kiểu “phân lô” là điều cần thiết, không chỉ về kỹ thuật.

Tại sao lại phải giao toàn bộ 941ha đất ở Ba Vì cho bà chủ công ty cổ phần Việt Mông. Trong khi, nếu các đại gia thực sự có năng lực đầu tư thì hãy để họ tôn trọng quyền dân sự của người dân, nhượng lại quyền sử dụng đất của nông dân trước khi xây dựng khu du lịch hay làng biệt thự. Việt Mông cũng có thể đầu tư du lịch giữa những “làng chè sinh thái”, bằng cách đầu tư và hướng dẫn cho người dân cải tạo những nhà vườn của mình, thay vì sử dụng chính quyền giải tỏa, vừa ít tốn kém, vừa không tạo ra những mâu thuẫn giữa nông dân với Việt Mông, đặc biệt là mâu thuẫn giữa nông dân với chính quyền sở tại.

772 dự án được cấp phép vội vã trước ngày Thủ đô mở rộng, theo Tổ Công Tác: “Đang tiềm ẩn một tương lai phát triển không bền vững” cho Hà Nội. Nhiều dự án nằm trong cùng một địa bàn huyện, xã hoặc hai khu vực lân cận nhưng không có sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng. Khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, chính ông Bộ trưởng Xây dựng cũng phải thừa nhận có “tình trạng tranh thủ”. Nếu quan tâm đầy đủ đến các quy chuẩn thì người ta đã không lập dự án và ký duyệt vội vàng như thế.

Chưa thấy cơ quan chống tham nhũng vào cuộc để gọi đúng tên những chữ ký dồn dập, những chữ ký duyệt dự án chỉ trong một ngày. Cho dù, về mặt hành chánh, khi ấy chính quyền Hà Tây và Hòa Bình (và ở cấp cao hơn) vẫn có đủ thẩm quyền. Nhưng, với một chính quyền có trách nhiệm và biết xấu hổ, người ta không thể ký những gì có thể đặt gánh nặng lên nhiệm kỳ sau, tạo ra hậu quả cho cả mai sau. Nhất là những chữ ký, khiến cho “ngày vui” trở thành người Thủ Đô của hơn 3 triệu người dân Hà Tây và Lương Sơn “ngắn” lại vì nỗi lo “giải tỏa”.

Cho dù không có bằng cớ tham nhũng, hệ thống chính trị không phải là không có những công cụ để bày tỏ thái độ và xử lý thích đáng những người đã cố tình ký duyệt các dự án ở Lương Sơn, Hà Tây. Những dự án “không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai”. Một “định hướng quy hoạch” có “tầm nhìn”, được “tư vấn bởi các chuyên gia nước ngoài” như cam kết của Thủ tướng trước Quốc hội khi dự án mở rộng Thủ Đô được đưa ra biểu quyết.

Huy Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét