Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Ngô Thì Sĩ một tài năng và nhân cách cao đẹp

nhiều tác giả

Danh Nhân Đất Việt

Ngô Thì Sĩ

một tài năng và nhân cách cao đẹp


T rên vách đá động Nhị Thanh tại làng Vĩnh Trại, huyện Thoát Lãng thuộc tỉnh lỵ Lạng Sơn (cũ), hiện còn bức phù điêu khắc đá, tạc hình một ông già ngôi, bên dưới khắc bài văn "tự tán":
"Người là ai? khăn áo đạo sĩ, nét mặt nhà nho,
Thân cao bốn thước, lưng nhỏ ba chét tay,
Râu thưa, tóc mai trĩu, má hóp, lưỡng quyền gầy.
Há không chốn tiêu dao mà làm tổ trong hang này?
Văn dốt vũ dát, chính sự độn, việc "hành chỉ" tuềnh toàng, không một nét đáng ghi lại.
Duy tính ưa suối đá, mà chí khí ở nơi hồ biển,
Được hang động này thật thích hợp, để gìn giữ cái tuổi già lều lảo của ta..."

Đó là chân dung thực của Ngô Thì Sĩ và cũng là những lời ông bộc bạch về con người mình - chỗ hay cũng như chỗ dở. Ông sinh ngày 15-10-1726, có hiệu là Ngọ Phong, quê làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Gia đình Ngô Thì Sĩ nổi tiếng thi thư. Ông nội là Ngô Trân, cha là Ngô Thì ức, em là Ngô Thì Đạo đều có tài văn học.
Thuở nhỏ, vì cha mất sớm, Ngô Thì Sĩ được ông nội chăm sóc dạy dỗ. Ông học giỏi, nhưng thi cử lận đận, vì những ý tứ mới lạ và văn chương phóng khoáng của ông không hợp với các quan trường. Tiếng tăm ông lừng lẫy càng làm cho người ta thành kiến. ở các kỳ thi Hội, người chấm cứ tìm các bài văn đoán là văn Ngô Thì Sĩ để đáng hỏng. Chúa Trịnh biết việc này, đã cách chức một khảo quan là Trần Tổ (1752), nhưng thành kiến của quan trường vẫn không thay đổi. Đến năm 1766, Ngô Thì Sĩ mới đỗ được Hoàng Giáp. Ông liên tiếp làm quan ở nhiều nơi: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, rồi cuối cùng là Đốc trấn ở Lạng Sơn, mất tại nhiệm sở ngày 22-10-1780.
Ngô Thì Sĩ xuất thân từ một gia đình quan chức nhỏ, cái nghèo đeo đuổi ông từ thuở học trò cho đến khi đã thành một viên chức trong phủ chúa và cả khi đã thành một triều quan. ông đã từng có những giai đoạn mỗi tháng có đến mười lăm ngày bị "gạo củi bức bách..., túi rỗng, bếp lạnh" (Trách ma nghèo). Cũng đã từng phải đi vay để đáp ứng nạn gạo châu củi quế, "nhưng dần dần người ta chán vì thất tín nên một tiền cũng kiên quyết chối từ" (Nông đáp). Tình cảnh Ngô Thì Sĩ cũng là hiện tượng khá phổ biến của tầng lớp nho sĩ trí thức đương thời. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn rất tha thiết với đất nước, vẫn mang hoài bão "tri quân trạch dân" và họ trăn trở rất nhiều trước thời cuộc, Ngô Thì Sĩ cũng vậy. Hơn ba mươi năm làm quan, ông đã đề xuất nhiều vấn đề và trực tiếp đối thoại với phủ chúa. Đó là các đề nghị chấn chỉnh thi cử, sửa đổi chính sách thuế khóa, chiêu tập nông dân phiêu bạt về khai hoang, hạn chế việc nhà giàu chiếm đoạt ruộng đất, nghiêm trị bọn quan lại hà hiếp dân, phòng thủ biên giới... Ông đặc biệt thông cảm và dành nhiều ưu ái cho tầng lớp học trò và nông dân. Vào thời điểm bấy giờ, khi bộ máy quan liệu đã hết sức sa sút, một người có nhân cách cao đẹp như ông thật hiếm có.
Ngô Thì Sĩ là một trí thức có nhiều hoài bão. Suốt đời, ông theo đuổi lý tưởng làm một người có ích cho dân cho nước. Trong chính trị, có thể ông không thành công, nhưng trong sử học, văn học, ông có rất nhiều đóng góp. Ông thực sự có vai trò người sáng lập Ngô gia văn phái. Ông là một nhà sử học lớn với các tác phẩm Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, một phần Đại Việt sử ký tục biên. Lối chép sử của ông có tinh thần dân tộc, có nhiều phát hiện, và có phong cách khoa học. Ngô Thì Sĩ cũng là một nhà văn đa dạng về bút pháp và có một khối lượng tác phẩm khá lớn. Bảo chướng hoằng mộ cho ta thấy sự sắc sảo, giàu tinh thần phê phán của ngòi bút nghị luận, Ngọ phong văn tập thể hiện chất hiện thực, phong phú của ngòi bút ký sự. Anh ngôn thi tập thể hiện chất hào hoa đằm thắm của một tâm hồn thi sĩ giàu nhân ái, trung hậu... Song có lẽ nổi bật nhất ở Ngô Thì Sĩ là chất cận đại trong thi pháp của ông. Đó là chất văn xuôi, chất đời sống thường xuất hiện đậm nét ở mọi thể loại. Có thể gặp trong tác phẩm của ông những con số thống kê có thực, những cảnh thực, người và chuyện thực. Điều này là mới mẻ so với bút pháp ước lệ, khoa trương, tượng trưng của văn học thời Trung đại, Ngô Thì Sĩ cũng có thể xem là nhà thơ tình sớm nhất trong văn học Việt Nam. Có lẽ trước ông, không tìm thấy trong văn học nước ta nhà văn nào có cả một tập như tập Khuê ai lục nói về người vợ, người tình một cách thâm trầm da diết như vậy. Ngoài ra, thơ đề vịnh của Ngô Thì Sĩ cũng bộc lộ được tính cách hào hoa, tâm hồn phong phú và nhạy cảm của ông trước cảnh đẹp của quê hương đất nước.
Trần Thị Băng Thanh
Nguồn: VNxpress.net

Danh nhân Ngô Thì Sĩ, đại diện cho lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của Lạng Sơn. Ông là người làng Tả Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), được triều đình cử lên Lạng Sơn làm Quan Đốc trấn. Trong quá trình an dân, thực thi nhiệm vụ, ông đã tìm ra nhiều cảnh đẹp của Xứ Lạng và xếp các cảnh đẹp này vào “Trấn doanh bát cảnh” (tức là tám cảnh đẹp của Lạng Sơn). Trong đó, Nhị, Tam Thanh được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh”. Cái tên Nhị, Tam Thanh được đặt là để ghi nhớ về quê hương Tả Thanh Oai của ông.



Hình ảnh Ngô Thì Sĩ tạc trên vách động Nhị Thanh.

Tại động Nhị Thanh, hiện vẫn còn bức hình của ông được tạc vào vách núi, như muốn được muôn đời hoà vào phong cảnh Xứ Lạng. Bản thân Ngô Thì Sĩ cũng đã lấy hiệu của mình là Nhị Thanh cư sỹ.




Bàn thờ Ngô Thì Sĩ trong động Nhị Thanh.

Không chỉ là người yêu thích phong cảnh trữ tình của Xứ Lạng, yêu văn chương thơ phú, Ngô Thì Sĩ còn được biết đến là người đã có công mở rộng phố chợ Kỳ Lừa về phía Tây lập nên các phố Nhị Thanh bây giờ. Ngoài ra ông còn giúp dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, được nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn, tôn là Thành Hoàng.


Cuối cùng xin được giới thiệu về các danh nhân đại diện cho ý chí và tinh thần cách mạng trong thời kỳ đấu tranh chống các đế quốc, thực dân xâm lược của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đó là hai danh nhân: Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri.


Danh nhân Hoàng Văn Thụ,
(sinh ngày 04/11/1909), người dân tộc Tày, xã Nhân Lý, huyện Văn Uyên, nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Thuở nhỏ, đồng chí học ở trường làng. Năm 1923 học ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn. Năm 1927 giác ngộ cách mạng. Đến cuối năm 1928 được kết nạp vào tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, hoạt động ở vùng biên giới Việt – Trung. Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được phân công nhiệm vụ xây dựng phong trào cách mạng ở Lạng Sơn. Từ năm 1934 đến năm 1938 đồng chí là Bí thư Chi bộ Đảng trực thuộc Ban lãnh đạo Trung ương.


Trong quá trình hoạt động cách mạng đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Đồng chí đã trực tiếp tổ chức thành lập các cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn như Bắc Sơn – 1936, Phi Mỹ (Tràng Định)- 1938. Từ tháng 5/1938 đến giữa năm 1939 đồng chí là Uỷ viên trong Ban lãnh đạo Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách công tác phát triển các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Hải Hưng, Vĩnh Yên và vùng mỏ Quảng Ninh. Tháng 9 năm 1939 đến tháng 10 năm 1940 đồng chí là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII tháng 11/1940, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung
ương Đảng trực tiếp lãnh đạo việc duy trì và phát triển Đội Du kích Bắc Sơn, xây dựng, củng cố căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tháng 5/1941, đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Trung ương, đặc trách công tác mặt trận và binh vận của Đảng.


Ngày
25/8/1943 đồng chí bị giặc bắt tại khu Tám Mái (Hà Nội) và bị giết hại ngày 24/5/1944 tại Trường bắn Tương Mai, Hà Nội.


Danh nhân Lương Văn Tri, (sinh ngày 17/ 8/1910) tại Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, Tổng Mỹ Liệt, Châu Điềm He; nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trong một gia đình trung nông người Tày. Đồng chí Lương Văn Tri rất ham học. Thủa nhỏ đồng chí học ở trường làng. Năm 1920, học ở ngoài Điềm He. Đến năm 1924, đồng chí ra học ở trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn.


Những năm 1924, 1925 tại thị xã Lạng Sơn đã xuất hiện một luồng không khí yêu nước, chống Pháp. Không khí ấy đã cuốn hút đồng chí Lương Văn Tri tìm hiểu, giác ngộ và lựa chọn hướng đi theo con đường hoạt động cách mạng. Đến đầu năm 1926, cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tập hợp anh em cùng chí hướng lập ra một nhóm thanh niên yêu nước thị xã Lạng Sơn. Năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Tháng 12/1929, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.


Qua quá trình hoạt động và sau khi kết thúc khóa học một cách xuất sắc ở Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) năm 1933, đồng chí được phân công xây dựng phong trào cách mạng ở Cao Bằng - Lạng Sơn. Năm 1939, đồng chí Lương Văn Tri đã được bầu làm Xứ Uỷ viên Xứ uỷ Bắc kỳ, phụ trách quân sự. Năm 1940, đồng chí là Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ, phụ trách liên tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn…


Tháng 8/1941, trên đường hành quân lên Cao Bằng, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt tại Ngân Sơn (Bắc Cạn) và đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Cao Bằng ngày 29/9/1941.


Danh nhân Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri là những người chiến sỹ cộng sản kiên trung bất khuất, sống anh dũng, hy sinh vẻ vang vì dân, vì nước. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của các danh nhân mãi mãi sống với non sông đất nước ta, với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.




Một góc cảnh động Nhị Thanh.

Tự hào với các danh nhân của quê hương Xứ Lạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn hôm nay đang ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, để xứng đáng với công lao to lớn của các vị tiền nhân, anh hùng. Thân thế, công lao và sự nghiệp của các danh nhân sẽ mãi mãi là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ người Lạng Sơn học tập và noi theo./.

Hoàng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét