Tác giả: Tưởng Năng Tiến
“Tôi đến vàm Nhựt Tảo thuộc tỉnh Long An vào một ngày tháng chạp. Sắp tết Kỷ Sửu nhưng đi dọc đường không thấy vẻ háo hức cận tết như các năm trước…”
“Chiều hôm sau, lúc đó đã gần 5 giờ, tôi hỏi đường lên vàm Nhựt Tảo và ‘cái tàu ông Nguyễn Trung Trực đốt của tụi Tây’. Bác xe ôm ở một góc đường thị xã Tân An có vẻ rành, bác chỉ qua cầu Tân An (bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây), qua cầu Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông), đến ngã tư Tân Trụ rẻ phải…”
- Chị ơi vàm Nhựt Tảo ở đâu vậy?
- Đây này! Cô gái chỉ ngay dòng sông trước mặt…
Vậy ra là tôi đang đứng ngay ngả ba sông, nơi Nguyễn Trung Trực đánh đắm chiến thuyền Espérance của Pháp năm 1861… Tôi băng qua sân rộng đến sát mép sông, thấy một cái miếu nhỏ bé, cửa miếu hướng ra bờ sông. Vòng ra mặt trước miếu nhìn vào mới biết đó là miếu ngũ hành, cả gian miếu âm u chập chờn.”
“Tôi bước vào miếu, tự dưng xương sống lạnh buốt như đang bước vào một nơi nhiều âm khí dù trời chưa tối hẳn. Không gian trong ngôi miếu nhỏ tịch mịch quá, tưởng như nghe được tiếng sông chảy bên ngoài. Bên góc phải bàn thờ ngũ hành có một hộc bàn thấp lè tè, trên để tấm hình Nguyễn Trung Trực chít khăn đen, bên dưới ghi:”
ANH HÙNG DÂN TỘC
NGUYỄN TRUNG TRỰC
(1838-1868)
“Nguyễn Đình Chiểu viết ‘Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo.’ Thật là nao lòng quá. Một dũng tướng ngang dọc từ Tân An đến Rạch Giá, lập những chiến công ‘oanh thiên địa’ và ‘khấp quỷ thần’ trong lứa tuổi 20, ngay nơi chiến tích của ông cách đây 146 năm, nay chỉ có một ngôi đền xây dang dở, và một bức hình nhỏ trên một bệ thờ thấp, nằm ké trong cái miếu ngũ hành tàn tạ âm u vôi lở sơn tróc hương tàn bàn lạnh. Đôi mắt ông thao thiết nhìn ra sông, rất lặng lẽ…”
“Tôi ra đứng trước cửa miếu nhìn ngả ba sông Nhựt Tảo qua những cây hoang um sùm. Dòng sông trong vắt và êm đềm, thỉnh thoảng một chiếc phà nhỏ chở khách ngang qua. Trời đã chập choạng và một tiếng chim chợt kêu. Ở quán nước sát mé sông, tôi hỏi bà chủ quán:
- Chị ạ, chắc tấm hình ông Nguyễn Trung Trực người ta thờ tạm hả chị, chờ khi cái đền lớn xây xong?
- Đâu có, cái miếu nhỏ đó hổng phải thờ ông Nguyễn Trung Trực. Mấy bữa trước có một bà dưới Rạch Giá đem hình ổng lên để thờ ké trong miếu đó!
“Thờ ké trong miếu! Phải, cái bàn thờ ông thấp và bé hơn bàn thờ năm tượng ngũ hành nhiều lần, bên di ảnh ông có một chai nhựa khô nước (hay rượu), trước có một con ngựa nhỏ màu trắng. Có lẽ cái bệ thờ này để thờ bạch mã - như trong nhiều miếu ở miền quê thường có thờ “Bạch Mã Thái Giám” tức con ngựa trắng để đỡ chân cho thành hoàng của làng xã - rồi người đàn bà Rạch Giá tội nghiệp kia đem hình ông lên không biết đặt đâu nên để ‘ké’ vào bệ thờ con ngựa trắng, trước hình ông là một bình hoa giả, hai chén nước nhỏ, một bát nhang lạnh. Vậy thôi.”
Chỉ “vậy thôi” mà bài viết “Nhựt Tảo 147 Năm Sau” của Từ Khanh (đọc được trên danchimviet.com, hôm 17 tháng 3 năm 2009) bỗng khiến tôi thấy lòng dạ bất an. Tôi rời Rạch Giá đã lâu, và chưa bao giờ có dịp quay về chốn cũ. Không hiểu chuyện gì đã khiến người ta phải đem di ảnh của cụ Nguyễn lên đến Long An, để thờ ké trong một cái miễu ngũ hành (”hương tàn bàn lạnh”) như thế?
Rạch Giá có đường Nguyễn Trung Trực. Nó bắt đầu từ bến xe Lạc Hồng, và chấm dứt ở bên này Cầu Đúc. Từ bên kia cầu trở đi là đường Phó Điều, tên gọi đầy đủ là Phó Cơ Điều, dẫn đến đầu chợ Nhà Lồng.
Trên nóc chợ có dựng tượng cụ Nguyễn Trung Trực bằng đồng. Pho tượng nhỏ, kích thước chỉ bằng một người thường, và không có đường nét nào đặc biệt - ngoại trừ đôi mắt. Cụ Nguyễn đang đứng bạt gươm mà (sao) trông buồn thảm thiết!
Thời gian ở Rạch Giá, tôi kiếm sống bằng cách bán bánh tiêu. Tôi hay len lách rao hàng, giữa những bàn ăn, trong chợ Nhà Lồng:
- Bánh tiêu đây thầy Hai ơi.
- Mời dì Ba ăn bánh tiêu nóng.
- Mua dùm một cái bánh tiêu đi cô Tư.
- Má Năm ơi, ăn bánh tiêu mới ra lò không?
Hôm nào may mắn tôi bán được hết (hay gần hết) mẹt hàng. Xong, tôi vào quán cà phê ngồi đếm tiền và nghỉ xả hơi. Sau khi dấu tờ bạc 20 đồng làm vốn (có hình bác Hồ nhìn nghiêng) vào gấu quần, tôi sẽ sài hết số tiền còn lại.
Giá vốn một cái bánh tiêu là bốn mươi xu. Tôi bán ra năm mươi, lời 10 xu gọn ghẽ. Nếu bán được 48 cái bánh, tôi sẽ được 4 đồng 80. Tôi ăn luôn hai cái bánh ế thì vẫn còn lời đến 4 đồng.
Số tiền này - vào những năm đầu của thập niên 1980, lúc mà Đảng CSVN chưa có “dũng cảm” và “quyết tâm” đổi mới - đủ để người dân thường mua được một bao thuốc lá nội hoá, kẻ khá giả hút được hai điếu thuốc lá “3 số” nhập cảng, và vừa vặn để cho tôi có thể sống qua được một ngày (tạm gọi là) no đủ.
Ly cà phê đen giá một đồng. Nếu mà cà phê sữa cũng cùng giá thì đỡ biết chừng nào. Những lúc thiếu ăn tôi không mê cà phê đen lắm. Tôi chi thêm một đồng nữa cho mấy điếu thuốc lá (Vàm Cỏ hay Lao Động) là kể như một buổi sáng êm xuôi.
Trưa và chiều tôi sẽ dùng hai đồng còn lại, cho 2 đĩa cơm trắng, ở cửa hàng ăn uống quốc doanh. Khi đói (tới bến) thì thức ăn là đồ xa xỉ.
Hôm nào mà bánh ế thì vất vả hơn chút xíu. Tối, tôi lại phải đi loanh quanh ở khu rạp hát Châu Văn, giưã trung tâm thị xã - nơi có những xe bán thức ăn đêm - để dành giật những tô mì thừa hay cháo cặn với những kẻ cùng cảnh ngộ.
Đêm, tôi ngủ chung với những đứa bé bụi đời ở sân quần vợt của Rạch Giá. Nằm nhìn sao trời nhấp nháy, tôi hay nhớ đến nét mặt buồn phiền - cùng với ánh mắt thê thiết - của cụ Nguyễn, đứng nhìn từ nóc chợ Nhà Lồng. Ngó bộ, ổng không được hài lòng (lắm) về cái vụ … tôi đi bán bánh tiêu!
Nguyễn Trung Trực vốn là một ngư dân. Khi đất nước bị ngoại xâm, ông tham gia kháng chiến, tạo nên những chiến công (”oanh thiên địa, khấp qủi thần”) làm nức lòng người.
Tôi thì được theo học từ một trường đại học văn khoa, tốt nghiệp từ một trường đại học võ bị nhưng khi đất nước bị nạn nội xâm thì đi … bán bánh tiêu - kiếm sống qua ngày! Chưa hết, khi nhắm sống không nổi nữa thì tôi liền bỏ quê hương mà chạy, và … “lặn mất tăm” - theo như cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ví von, mỉa mai như vậy (chắc) chưa đã miệng nên thằng chả còn chêm thêm vài câu nữa:
“Nghĩ cũng buồn cười, nhiều người hay lắm, qua sông đấm bòi mà làm như oai lắm, tự cho mình cái quyền phán xét kẻ khác, mồm loa mép giải như đàn bà hàng cá, tự đắc văn hoá, hết chê người này ngu lại chửi kẻ khác hèn, oách lắm. Oách thế sao người ta vừa ho cái đã lặn không sủi tăm, rồi ngoi sang bờ bên vung chân múa tay chửi bới hung hăng lắm. Ui giời, là anh hùng.”
Không dám «anh hùng» đâu. Cũng không dám «oách» đâu. Đã tha phương cầu thực ai mà lại «vung tay múa chân chửi bới hung hăng» kỳ cục vậy, cha nội! Nhưng thỉnh thoảng nghe chuyện cố hương mà không nén được một tiếng thở dài (hay một tiếng chửi thề) thì… có!
Bữa trước, hôm 23 tháng 1 năm 2009, trên đài Á Châu Tự Do, tôi nghe người ta kể về một công trình kiến trúc mới hoàn thành (ở Rạch Giá) như sau :
“Dù đã cố gắng tưởng tượng sự hoành tráng của nó qua những lời kể trên điện thoại, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì nó vượt quá trí tưởng tượng của mình nhiều lần. Đó chính là nhà thờ họ của đương kim Thủ Tướng Ba Dũng vừa mới khánh thành cách đây một tháng. Dù rất kín cổng cao tường nhưng có lẽ cũng muốn cho người ngoài nhìn thấy sự hoành tráng của nó nên qua những khe hở hàng rào vẫn có thể thấy được ‘chiều sâu’ bên trong khuôn viên.”
“Cả khuôn viên bao gồm 1 căn biệt thự theo kiến trúc tây và 3 gian nhà thờ theo kiến trúc Việt cổ. Giới thầu xây dựng tham gia làm công trình này nói nó trị giá gần 40 tỷ đồng và đã khởi công từ 2 năm trước đó. Tôi không vào được bên trong nhưng theo người bạn thì nguy nga vô cùng, toàn những cột gỗ to một người ôm không hết được chạm trổ công phu, những vật trang trí trong các gian thờ thì toàn là những loại đặc biệt và thượng thặng, được chọn từ những nơi sản xuất nổi tiếng nhất và tâm linh nhất Việt Nam về các món hàng ấy mang về đây…”
“Cái nhà thờ này phải làm thật to, to nhất ở đây để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thánh thần ở vùng đất này để được gia hộ cho sự nghiệp của Thủ tướng bền vững. Và đúng là nó to thật, to hơn nhiều lần cái đền ông Nguyễn - nơi thờ vị Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực và những người đã hy sinh cùng với ông tại đất Rạch Giá này.”
Thời nào, xã hội nào mà không có những kẻ tiểu nhân đắc ý. Sự phô trương bề thế, lố lăng của họ, theo tôi, không thể ảnh hưởng đến sự tôn kính và thâm nghiêm (đã trở thành truyền thống) nơi đền thờ cụ Nguyễn. Đây chắc không phải là nguyên cớ khiến người dân Rạch Giá đem dời di ảnh của Nguyễn Trung Trực, lên thờ ở Tân An.
Lý do chắc phải tìm ở nơi khác. Và tôi tìm được một bài báo cũ - xuất hiện trên Tuổi Trẻ Online, vào ngày 21 tháng 12 năm 2005 - tựa là “Sống Trong Vùng Độc Hại” như sau:
“Tại khu phố Quang Trung, phường Vĩnh Quang (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) có một bãi rác đã tồn tại từ hơn 20 năm qua. Bác sĩ Phạm Thị Tuyết, một nạn nhân sống trong vùng ô nhiễm, bức xúc:”
- Người dân ở đây đã gửi hàng trăm lá đơn cầu cứu nhưng vẫn không thấy chính quyền động tĩnh gì…
“Phó trưởng khu phố Quang Trung Lê Thanh Mai cho biết thêm:
- Không chỉ 810 hộ dân ở đây bao năm nay phải sống chung với mùi hôi thối mà cả một khu dân cư rộng lớn cũng phải chịu đựng. Bởi nhiều khi mùi hôi thối bị cuốn theo chiều gió bay đến tận Trung tâm thương mại TP Rạch Giá, tràn vào các lớp học, cách cả chục cây số còn ngửi thấy mùi hôi. Mỗi khi có tiệc tùng không dám mời khách đến chơi vì… sợ ruồi, sợ mùi hôi và sợ khách không dám ăn!”
Bãi rác khổng lồ giữa thành phố Rạch Giá khiến tôi có thêm ý niệm về sự “ô nhiễm không gian tâm linh” (rất có thể) cũng đang xẩy ra ở địa phương này - nơi mà hai thế kỷ trước, vào đêm 16 tháng 6 năm 1868, cụ Nguyễn đã xuất thần bất ý làm khiếp vía qủi thần (Kiếm bạt Kiên Giang khấp qủi thần).
“Chiến tích này… theo sử gia Phan Khoang viết trong cuốn Việt Nam Pháp Thuộc Sử thì nghĩa quân đã giết được viên chỉ huy trưởng Pháp và 30 quân trú phòng … theo nhà thám hiểm Pháp tên Combanaire viết trong cuốn La Verité sur la Cochinchine xuất bản năm 1909 tại Sài Gòn thì con số người Pháp bị tử vong lên tới 70 người… (Lý Minh Hào. Nguyễn Trung Trực Trên Đất Kiên Giang. California: Papyrus, 1995. 28).
Sách sử tuy còn đó nhưng bụi thời gian đã phủ mờ guơng oanh liệt của tiền nhân, nơi địa linh nhân kiệt. Đến cuối thế kỷ hai mươi, Rạch Giá chỉ còn được biết đến như một nơi chuyên bán bãi và buôn người vượt biển. Cùng lúc đây cũng là nơi đã khiến “Bông Lúa Nổi Giận”, và lương dân phải bỏ của chạy lấy người, vì nạn cường hào ác bá.
Sang đến thế kỷ XXI Rạch Giá được công luận chú ý vì những bài báo tố giác tham nhũng, và mô tả tài sản cũng như những cơ sở kinh doanh bất chính, có liên quan đến thân nhân gia đình của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tác giả những bài viết này, ký giả Trương Minh Đức, đã bị toà án Kiên Giang tuyên án năm năm tù - với tội danh “lạm dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước Việt Nam.”
Và bây giờ thì Rạch Giá nổi tiếng vì một công trình kiến trúc bề thế, có tên là “nhà thờ họ của đương kim Thủ Tướng Ba Dũng - bên cạnh một bãi rác khổng lồ - trông như một mụn gấm nổi bật trên manh áo rách tả tơi, bẩn thỉu. Với ít nhiều chủ quan, tôi tin rằng sự ô nhiễm không gian tâm linh mới chính là lý do đã khiến cho nguời dân điạ phương đem di ảnh của Nguyễn Trung Trực ra khỏi địa phương này.
Cụ Nguyễn đã rời Rạch Giá nhưng đêm qua tôi vẫn nằm mơ thấy ánh mắt thê thiết của ông, đứng nhìn từ nóc chợ Nhà Lồng - dù theo Lý Minh Hào (tác giả của công trình biên khảo thượng dẫn) thì nơi đặt pho tượng Nguyễn Trung Trực đã được thay thế bằng tấm hình bác Hồ (nhìn thẳng) tự lâu rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét