Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Tình trạng vượt ngưỡng

Không còn là tiếng chuông, rất nhiều bài nói về đạo đức đi xuống và sự vô cảm ... nhưng sao ngày càng tệ ....
Tác giả: Nguyễn Huệ Chi
Chuyên mục: Khủng hoảng đạo đức, Tư tưởng, Văn hoá – Giáo dục
Thẻ: Tâm lý xã hội
Tôi chia sẻ với Hoàng Hưng trong bài “Từ cách thưởng Hoa đến nhân cách Việt”. Hiện tượng ngang nhiên vặt trụi hoa anh đào chỉ trong một ngày người Nhật mang hoa đến triển lãm cho dân chúng Thủ đô Hà Nội thưởng lãm, cũng như việc dẫm đạp bừa bãi và thi nhau bê hết mọi thứ trên đường phố hoa cũng ở Thủ đô trước Tết âm lịch báo hiệu một hiểm họa lớn hơn thế rất nhiều. Đó là: sự khủng hoảng đạo đức trong xã hội chúng ta đã vượt khỏi cái ngưỡng mà như một quy ước vô ngôn, mọi xã hội văn minh không bao giờ cho phép vượt. Hãy cứ nhìn vào nhiều ngõ ngách của đời sống, bất cứ vùng miền nào cũng diễn ra như cơm bữa những chuyện nhức nhối mà lý trí thông thường không thể giải thích, đôi khi có cả những chuyện tưởng chừng đã chạm đến bản năng sinh tồn nó phân biệt con vật với con người (mẹ ném con xuống sông, bố giết con, ông giết cháu, con giết bố giết mẹ…)
[1] . Phải coi đây là một sự băng hoại không thể xem thường, một cảnh báo về nguy cơ tồn vong của cộng đồng dân tộc (bên cạnh những vấn đề vốn cũng đang cháy bỏng tâm can nhiều người lâu nay như sự suy thoái chưa cứu vãn nổi của ngành giáo dục đào tạo, việc bị ép “tới số” trong tranh chấp biên cương, lãnh hải mà lại phải cố tình tránh né, và việc mặc nhiên - hay là liệu pháp của chữ nhẫn? - đưa người Trung Quốc vào khai thác bauxite ở “Mái nhà Đông Dương”…).
Nhưng vì sao dẫn đến tình trạng ấy? Câu hỏi này đòi hỏi phải được giải đáp sâu sắc, tỷ mỉ, từ nhiều bình diện mà truy cứu đến tận gốc. Một đáp án vội vàng nào cũng chỉ là ứng phó tạm thời. Dẫu sao có còn hơn không, hãy góp nhiều cách nghĩ, có thể cảm tính cũng được đi, để soi rọi vào sự thật phũ phàng, giúp các nhà khoa học lần tìm ra manh mối. Từ góc độ xã hội học lịch sử mà nói, thiết nghĩ, hình như từ rất lâu rồi người ta đã quá quen với kiểu hành xử dung dưỡng cho cái ác, cái tham, cái dối trá, cái bợ đỡ, cái hèn hạ… núp bóng cái chân, cái thiện, cái chính trực để tung hoành một cách hợp pháp như một lối sống đương nhiên mà ai cũng phải chịu đựng, và sau nhiều thập kỷ đã biến thành một hiệu ứng tâm lý chai lỳ, mất sức đề kháng, thậm chí ở một số ít nào đấy mất luôn cả phản xạ thiện lương. Dư luận cộng đồng đã phản ứng thế nào trước những vụ việc khủng khiếp như vừa dẫn ở trên? Nhà chức trách đã có biện pháp gì đối với hàng loạt “Những phận người chết chậm”[2] mới chỉ điều tra riêng ở một tỉnh Thái Bình mà đã thấy kinh rợn? Chưa thấy có một tín hiệu đủ làm cho một ai an lòng. Ngược lại, có vẻ như “sống chết mặc bay”, kẻ mất hết lương tri cứ thế mà vào tù, rồi lại tiếp tục sinh ra những kẻ khác; người bị dị tật thê thảm cứ thế mà chui rúc dưới hầm sâu chờ ngày tận số.
Chỉ giới hạn ở lĩnh vực văn hóa, tại sao đến tháp Hòa Phong và Tháp Bút ở bên cạnh Hồ Gươm cũng bị vạch khắc lên hàng trăm dòng chữ bẩn thỉu, hoặc như chùa Hàm Long bị lấn chiếm vô tội vạ mà chẳng một ai đoái hoài?[3] Hãy tự vấn trong chỗ sâu nhất của lương tri mà xem, chúng ta đã thật có bầu nhiệt huyết với việc bảo tồn di tích văn hóa của cha ông như những báu vật gắn liền với tuổi thọ của dân tộc hay chưa, hay là chỉ “bảo tồn” gọi là cho có? Không nói những vụ việc cách đây bốn năm thập kỷ ta còn nông nổi và thiển cận, cứ tưởng phá cho hết mọi tàn dư phong kiến để lại để kiến tạo một thời đại mới, nên bạ đền chùa nào đập được là đập tuốt, nếu không thì cũng bỏ cho hoang phế. Chỉ mới rất gần đây thôi, khi luật di sản đã ban bố, những kiểu ứng xử với Hội trường lịch sử Ba Đình liên quan mật thiết đến việc giữ gìn toàn vẹn di tích Hoàng Thành Thăng Long vô giá, hay trước đó chút nữa là việc một ngài quan chức cấp Bộ cho phun nước liên tục vào chùa Diên Hựu để mong “rộng chỗ” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh… Những việc ấy không là tấm gương nhãn tiền cho người ta nắm được tim đen mà “noi theo” hay sao? Khi một tâm lý xã hội đã hình thành với thời gian thì muốn thay đổi là điều cực nan giải. Phải thay đổi không phải từ “dân trí” mà là từ “quan trí”, tức từ ý thức xã hội (Mác: ý thức thống trị xã hội bao giờ cũng là ý thức của giai cấp thống trị). Mà “quan trí” thì giờ đây không hẳn lệ thuộc vào việc học hành đến nơi đến chốn để nâng tầm hiểu biết, nó còn gắn với quyền lực và lợi lộc nữa kia. Cho nên, thử hỏi vào đầu thế kỷ XXI này mà sao vẫn có vô số di tích văn hóa bị “bức tử”, bị “đối xử hung hãn” đến khó tin?[4]. Dốt nát, thực dụng, sự “giải thiêng” trong tâm lý tín ngưỡng sau bao nhiêu năm “vô thần” ồ ạt, rồi đầu óc hám lợi và mê tín/mê muội vào thần thánh tiên phật sống lại, giữa thời buổi xoay xở làm giàu, khát thèm “phú quý phất nhanh như nước nổi” hôm nay là một nguyên nhân quan trọng làm cho di tích bị bới, đào, đắp, tô, cắt xén, xoay đi lật lại trở nên méo mó. Nhưng đâu chỉ có thế. Ngành văn hóa cũng như các ngành khác, trong thôi thúc của đời sống kinh tế thị trường, tự thấy cũng phải có những dự án “ra dự án” để chạy đua với các địa phương khác làm du lịch kiếm chút tiền. Không đập phá di tích đi mà “làm mới” thì ác nỗi khoản tiền chi ra cho trùng tu sẽ chỉ là bèo bọt (một cách nghĩ ôi sao mà thiển cận về trùng tu), muốn có một khối lượng tiền đủ lớn nhằm “vẩy” thêm chỗ này chỗ kia, nguyên tắc tài chính phân minh lắm chứ, ai dám ký cho? Sự thế bất đắc dĩ, rốt cụộc bảo toàn di tích là mục tiêu cốt thiết nhất bỗng chốc bị… gạt ra phía sau! Thôi thì di tích đã sống lụ khụ hàng trăm tuổi rồi còn biết há miệng kêu ai, đành là mặc cho người ta vần ngược vần xuôi, đổi thịt thay da, “cải lão hoàn đồng” được chút nào hay chút ấy[5].
Trở lại với chuyện vặt hoa. Ở thời kỳ bao cấp, ai cũng giống ai trong một mẩu bánh mỳ, chắc chắn không người Hà Nội nào có hành vi xâm hại tài sản công cũng là cái đẹp để mọi người cùng thưởng thức. Kể cả rất nhiều gia đình nền nếp từ sau 1954 từng bị trưng dụng biệt thự, thưng phên vách để chia ra cho mỗi gia đình từ rừng núi về một căn buồng chừng mươi lăm mét, tuy phải rứt ruột vứt bỏ lối sống đàng hoàng sang trọng đi, nhưng người ta vẫn vui lòng - hay nhẫn nhục - chịu đựng. Nhưng từ khi người ta nhìn thấy tận mắt nhiều thực tế lạ lùng không thể tin nổi, như sự chuyển động âm thầm của một thứ nghịch lý nào đấy nó biến dần tài sản công thành tư lúc nào không biết, chẳng hạn hàng bao nhiêu biệt thự ở Hà Nội, Sài Gòn… mà mỗi tấc mặt bằng là mỗi tấc vàng; hàng vô khối diện tích rộng rãi xung quanh những hồ nước, những mặt đường khang trang mới mở…; cho đến ruộng đất của nông dân ở khắp nước phút chốc bị mua lại rẻ mạt, đẩy họ vào bần cùng, rồi còn kéo theo nhiều thảm họa khác, trong khi đó lập tức như có phép thần, những “nhóm lợi ích” mới mọc mũi sủi tăm bỗng giàu sụ lên, của cải không để đâu cho hết; và ngay cả việc cổ phần hóa hàng chục công ty, nhà máy, xí nghiệp quốc doanh… cũng phù phép cho những Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị… sau một đêm trở thành tỷ tỷ phú còn hầu hết nhân viên, công nhân thì cầm một ít tiền còm về hưu[6]… thì nỗi “ngao ngán” ngày một hằn sâu vào tâm lý mọi người như một tiềm thức hay vô thức, và dưới vẻ ngoài an phận của số đông, vẫn có cơ bùng phát không ít những cá thể muốn phá phách tung hê cho hả - tùy theo cái “tạng” xuất thân mà quậy phá theo cách của mình. Đừng nói vài chậu hoa là chút tài sản vặt, do những người có phần chắc “mặt mũi” chưa đến nỗi nào thủ xướng, đến những gì to lớn giá trị hơn nhiều mà có thể chiếm lấy được, đập hủy được, nếu không ngày đêm để mắt, cũng chắc đâu đã an toàn.
Ai chịu trách nhiệm về những hành vi phá hoại ấy? Cố nhiên, không ai chấp nhận sự manh động. Muốn thế, kỷ cương phép nước phải nghiêm minh, đủ sức vãn hồi và bình ổn lại một trật tự đang tiềm ẩn những điều bất ổn. Nhưng để kỷ cương phép nước nghiêm minh thì trước hết, người cầm chịch cái kỷ cương ấy ở bất cứ cấp nào đều phải gương mẫu, nói như Nguyễn Trãi dùng lời sách Kinh thư khuyên Lê Thái Tông: “An nhữ chỉ” - Yên ổn ở chỗ đứng của ngươi!. Tấm gương của những vị Tổng thống, Thủ tướng nhiều nước đã bằng nhiệt huyết và sự xả thân đưa đất nước nghèo đói của họ trở thành giàu mạnh trong một thời gian không lâu, là bằng chứng khó lòng bác bẻ. Công bằng, dân chủ ở những nước đó quả thật đã nẩy mầm được trên nền tảng mối liên thông “thượng dĩ chính hạ tắc an” ấy. Và điều tưởng cũng nên “học lấy làm lòng”, là những nhà chính khách sáng giá kia đã không nhân danh bất kỳ cái gì, dù mỹ miều đến đâu, để ôm lấy mãi sự cực quyền, mà mở đường cho nhiều tiếng nói phản biện tỉnh táo của những “nhóm tinh hoa” khác biệt với mình được cất lên, đóng góp những hướng đi đầy triển vọng vào con đường giúp đất nước phồn vinh và bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, giảm bớt bất công giàu nghèo trong xã hội, và nhen nhóm khát vọng sống tự do đẹp đẽ của nhiều thế hệ con cháu họ.
Hà Nội 15 tháng III năm 2009
[1] Xin xem thêm những sự cố đau lòng khác ngoài các vụ việc được nêu mà ai cũng đã biết: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5594/index.aspx
[2] Xem Vũ Ngọc Tiến. “Văn Nghệ Trẻ” số 11 (15/3/2009). Đăng lại trên trang mạng: http://www.viet-studies.info/VNTien/VNTien_NguoiChetCham.htm
[3] Xin xem: http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/02/830960/
[4] Xin xem các trang: http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6234/index.aspx; http://www.tuanvietnam.net/vn/tructuyenvoitop/6397/index.aspx và nhiều trang mạng khác nữa mà chúng tôi không thể dẫn hết.
[5] Những người viết về ngôi đền An Dương Vương tại Diễn Châu Nghệ An được “trùng tu” cách đây mấy năm trên một vài tờ báo ở địa phương không hiểu có ở trong tâm thế này hay không, chứ đối chiếu với ngôi đền do Le Breton miêu tả trong Le Vieux An Tĩnh thì người vãng cảnh hôm nay trót hăm hở ghé qua đều không khỏi ái ngại, ngậm ngùi.
[6] Việc mưu toan bán các khoảnh đất công viên xây khách sạn xẩy ra dồn dập ở Hà Nội mấy năm gần đây cũng nằm trong chuỗi hệ thống “chấp công vi tư” kiểu đó. Hết những thứ “ngon ăn” rồi thì mắt mấy ông phường quận và có thể cao hơn nữa tất phải ngó đến khoảng xanh còn lại ít ỏi của Thủ đô. Xin xem thêm: “Nói dối lòi đuôi” trên 2 trang mạng http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenHueChi_NoiDoiLoiDuoi.htm và http://trannhuong.com/news_detail/1002/N%C3%93I-D%E1%BB%90I-L%C3%92I-%C4%90U%C3%94I
Tưởng Năng Tiến: “Từ cách thưởng Hoa đến nhân cách Việt” của Hoàng Hưng, và “Tình trạng vượt ngưỡng” của Nguyễn Huệ Chi khiến chúng tôi chợt nhớ đến một bài viết khác - đọc cách đây đã lâu - xin trích dẫn một đoạn ngắn:
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá” (Phạm Xuân Đài. Hà Nội trong mắt tôi. Thế Kỷ, Hoa Kỳ 1994, 32-33).
http://www.talawas.org/?p=708
-----
Xem thêm về không gian xanh cho Hà Nội : http://ttngbt.blogspot.com/2009/03/pha-cong-vien-nen-quy-inh-la-toi-trung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét