Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Nhân quyền của dân nhập cư vào Việt Nam

BBC Chuyện hàng trăm người lao động ngoại quốc không giấy phép bị phát hiện ra ở Đồng Nai làm tôi bỗng để ý đến cách báo chí Việt Nam nói về người nước ngoài nhập cư.

Trước hết là ẩn ý đằng sau các phóng sự về công nhân Trung Quốc bỗng nhiên có mặt ở Việt Nam, mà như một số giới chức xác nhận, vào bằng visa du lịch rồi ở lại.

Đây là vấn đề tế nhị, thậm chí có tính phức tạp của quan hệ chính trị và kinh tế không bình đẳng bấy lâu giữa hai bên.

Người Việt thông thường nghĩ Trung Quốc đã lấn sân Việt Nam bằng hàng rẻ, hàng chất lượng thấp, nay lại còn ồ ạt chiếm một phần thị trường lao động.

Chính quyền sau một thời gian như không biết nay cũng phải có phản ứng.

Nhưng trong các bài viết, các blogs về đề tài này cũng không hiếm giọng phân biệt Việt-Trung.

Hình như người ta quên rằng sức lao động cũng là một thứ hàng hóa, có cầu thì có cung.

Nếu họ dù là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Trung Đông, Ukraina vào lén lút hay được bao che bởi các thế lực mờ ám thì chắc chắn là phải điều tra và đưa ra ánh sáng.

Đồng ý là nước nào cũng bảo vệ thị trường lao động của mình, nhưng nếu có người Trung Quốc, dù là công nhân, kỹ sư hay đầu bếp, ca sĩ, được tuyển chọn công khai và thắng người Việt Nam cho vị trí công việc, sao họ không thể có quyền sang Việt Nam làm việc?

Trừ phi chính quyền nói thẳng là không thể nhận người Trung Quốc vì lý do chính trị.

Chính trị hay không?

Nhưng nếu Trung Quốc lý do chính trị gì thì nói sao đây, vì chính thức thì hai nhà nước, hai đảng cầm quyền có quan hệ rất hữu nghị.

Chưa kể người Việt Nam cũng luôn đòi được đối xử bình đẳng như vậy khi ra nước ngoài.

Và hiển nhiên, người Trung Quốc không phải là nhóm lao động nhập cư duy nhất.

Nên chuyện dùng từ ngữ, hình ảnh phân biệt và kỳ thị lại cũng thấy trong các phát biểu, đa phần là riêng tư về những người nhập cư từ châu Phi.

Đây là thái độ không văn minh, chứng tỏ cách nghĩ tự hạ thấp mình.

Đặc biệt, báo chí Việt Nam có bài tỏ ra ngạc nhiên là có người nước ngoài, là 'ông Tây' nhưng da đen, lại không xu dính túi, cứ như là trên hoàn cầu này chỉ có các dân chủng da trắng mới xứng với chữ 'Tây' theo cách dùng ngô nghê thường gặp.

Thế hóa ra ta chỉ tôn trọng, thậm chí nể và sợ những người dân từ các nước giàu hơn, những nước 'ông chủ' truyền thống?

Đó có phải là một tàn dư của thời thực dân? Hay là có người trong chúng ta còn kỳ thị và cũng có nghĩa là mặc cảm màu da ngay trên chính đất nước của mình?

Rồi còn thái độ ngỡ ngàng, như chưa bừng tỉnh rằng trong thế giới 'phẳng' này, cái gì xảy ra được ở nơi khác, dù là Gabon, Mali, Nicaragua, Nepal v.v. thì cũng có thể xảy ra ở Việt Nam.

Nói cho công bằng, chính sách di dân ở đâu cũng khó.

Chính sách

Nếu Việt Nam là đất nước bao dung, và dân chủ như chính quyền vẫn nói thì việc giúp người tỵ nạn, từ Trung Quốc, Bắc Hàn hay châu Phi theo đúng công ước Liên hiệp quốc sẽ là chuyện bình thường nhất và cần thiết.

Nguyễn Giang

Nếu có ai nhập cư trái phép vào Việt Nam thì nhà chức trách cũng chẳng tha mà không bắt và trục xuất.

Nhưng có ai nghĩ đến chuyện phải bảo vệ quyền lợi của những người đó không?

Người Việt Nam ở khắp châu Á, Đông Âu, khi gặp khó vì giấy tờ bất hợp lệ thường có những tổ chức nhân quyền, các giáo hội và hội từ thiện hay người hảo tâm giúp đỡ.

Tôi đã từng gặp các nhà hoạt động nghiệp đoàn, luật sư nhân quyền ở Đài Loan đứng ra giúp công nhân, cô dâu Việt miễn phí.

Nay nếu có chuyện không công bằng xảy ra với một người Nigeria thì ai bảo vệ họ?

Các giáo hội ở Việt Nam hay Mặt trận Tổ quốc có làm việc đó không?

Ngay cả khi một người phạm pháp, vào tù thì họ cũng có nhu cầu tâm linh, nhu cầu được chăm sóc nhân đạo, hợp với tín ngưỡng, phong tục riêng.

Nhà chức trách ở Việt Nam và giới truyền thông cũng cần nghĩ đến cả trường hợp nếu có người nhập cư xin tỵ nạn chính trị.

Nếu Việt Nam là đất nước bao dung, và dân chủ như chính quyền vẫn nói thì việc giúp người tỵ nạn, từ Trung Quốc, Bắc Hàn hay châu Phi theo đúng công ước Liên hiệp quốc sẽ là chuyện bình thường nhất và cần thiết.

Hàng triệu người Việt trên thế giới đã chẳng là những người tỵ nạn đó sao?

Và nếu người nước ngoài ở lâu thì cũng phải cho người ta vào quốc tịch ở con số đông chứ không phải chỉ vài anh chàng châu Phi đá bóng.

Về mặt văn hóa, làn sóng người nhập cư vào Việt Nam dù là hợp pháp hay trái phép đã và đang thay đổi cục diện sinh hoạt, ngôn ngữ và các nhìn nhận về sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo.

Hệ quả tích cực hay tiêu cực thế nào thì còn tuỳ thời gian nhưng điều báo chí làm được ngay từ bây giờ là giữ một cách đưa tin công bằng và tôn trọng nhân quyền.

Làm trước đi như thế và có cái nhìn dài hạn thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, và để khỏi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét