CHUYỆN CỦA NHỮNG NGÀY ĐÃ QUA
Viết sau những ngày rong ruổi...
Tất cả những câu chuyện của tôi viết đều là về những người đàn bà dúi dụi cuộc đời vào bóng tối nghèo khổ. Không sao thoát ra được. Họ lầm lụi nuôi những đứa trẻ thành người. Thế mới biết cái đau khổ của người mẹ đơn thân. Nhớ có lần tôi đọc một báo cáo số liệu của Mỹ, một tỉ lệ rất lớn những bà mẹ đơn thân lâm vào nghèo khổ
Câu chuyện của họ nhiều lúc làm tôi không hiểu nổi điều gì đã làm những người đàn bà sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm trong khi những gã đàn ông cứ lần lượt rời bỏ họ bởi những lựa chọn không sao tha thứ được. Một người mẹ vì qua lứa lỡ thì phải "xin" một gã đàn ông đứa con để yêu thương tuổi già. Một người mẹ nuôi hai đứa con đi học sau những trận đòn rượu có thù có của người chồng vô trách nhiệm. Một người đàn bà mù nuôi hai con gái sinh đôi học giỏi, khi người chồng bỏ ra đi chỉ với lí do...khổ quá không chịu được. Một người đàn bà khác nuôi ba đứa cháu tươm tất, sạch sẽ trong cuộc giang hồ đầy bấp bênh khi...cả cha và mẹ đều quẳng chúng đấy mà đua đòi tiếp những cuộc vui.
Có gã đàn ông đã quay lại để nhìn mặt con sau khi...bà vợ chính không sinh được con. Có ông đã quay về sau khi chính đứa con trai mà ông mang theo khi bỏ vợ lặn lội từ Bắc vào Nam đi tìm mẹ, rồi nằng nặc đòi ông quay về gia đình. Có ông đòi quay về gặp con sau khi nhận ra những người đàn bà tiếp theo đều không nhu mì, hiền lành như người vợ chịu đòn rượu của ông. Có người mãi mãi không được cả con và vợ tha thứ khi mang đến hai triệu đồng về nhà để đi nhậu với bạn bè, còn thằng con trai phải xin sách giáo khoa cũ của cô giáo mà đi học.
Những mảnh ghép gia đình ấy cho tôi một bức tranh đầy màu xám đen tối. Đó là cái màu lưu manh hóa và tha hóa ở nông thôn, nơi người ta thừa sức lao động, thừa sàn đề đóm, bài bạc, thừa động gái bia ôm nhưng thiếu những sinh hoạt văn hóa, nghề nghiệp lành mạnh cho những con người khốn khổ ấy khám phá cuộc sống. Tôi tưởng như đã thấy những cuộc đời không sao ngóc dậy nổi vì những cuộc tha hóa khốn kiếp ấy. Cha đứa trẻ đánh đề, say rượu; con cái thất học ; lớn lên lại đánh đề, say xỉn như cha. Có những câu chuyện tôi phải cười bằng nước mắt, hụt hẫng rồi từ bỏ, bởi không sao chấp nhận nổi những tha hóa đang vùi lấp phận người xuống đáy bùn nhơ bẩn.
Sao những ông quan làng xã, những cái hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thừa hơi sức đi "kèm cặp" nhà báo chúng tôi trong những cuộc viết bài, quay phim về những số phận ấy đến vậy? Sao họ thừa sức mời mọc tôi những bữa ăn xa xỉ ở miền quê nghèo rách nát đến thế? Sao họ dư hơi hạch sách tôi với giấy tờ và tư cách nhiều như vậy? Nhưng sao họ chẳng có một chút thời gian nào để biết những con người ấy đang lậm lụi vào tận cùng đen tối của cái nghèo khổ bởi những tha hóa làm đánh mất tự trọng và nhân cách họ? Sao có những cái hội khuyến học rất biết niềm nở đón tiếp tôi, ngồi rất lịch sự viết in giấy mời nhưng sao chẳng thể nào cho tôi xin được một hoàn cảnh gia đình thực sự đúng là nghèo khó và có con cái chịu học hành. Nhiều lúc, cầm những danh sách các bác đưa, xin lỗi, tôi chỉ muốn chửi tục rằng các bác, các thầy là đồ mất dạy, những thứ các bác đưa cho tôi chẳng nghèo khó mà lại là...họ hàng nhà các bác nữa.
Bây giờ tôi chẳng thể cười mà nói rằng cuộc sống của chúng ta đã tiến bộ hơn rất nhiều sau nhiều chục năm đen tối. Nó chẳng sáng lên một tí nào hết. Tôi vẫn gặp những thằng Chí Phèo giữa những ngõ làng trống vắng, vẫn gặp những chị Dậu bán con bán chó... Tôi gặp tất cả! Tôi chỉ cười, chỉ cười mà thôi. Cái nghịch lí khốn kiếp của những kẻ ngồi trên ghế chính quyền dốt nát và thừa hơi hành hạ người dân nhưng thiếu trí óc và lương tri để đối xử với "CON" dân như đối xử với người!
Vâng, đó là những cái lí của số phận – số phận: là khi người ta chấp nhận nó...
Khải Đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét