Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Nhật Bản muốn gì ở Việt Nam?

Quan hệ Việt - Nhật đang được hai nước đặt trong tầm mức chiến lược

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đang ở thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị về tương lai về châu Á lần thứ 15 do tờ báo Nikkei tổ chức thường niên.

Bên cạnh một bài thuyết trình dài đọc tại hội nghị, ông Dũng, được tháp tùng bởi Bộ trưởng giao thông - vận tải Hồ Nghĩa Dũng và nhiều quan chức khác, được cho sẽ bàn bạc với phía Nhật Bản về sắp xếp các khoản giải ngân mà một trong các ưu tiên là nhắm vào việc xây dựng một số công trình hạ tầng và khu công nghiệp.

Nhân dịp này, TS. Jean-Francois Sabouret, chuyên gia Nhật Bản học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Centre Asia từ Paris, cho BBC Việt ngữ biết nhận định của mình về mục đích chuyến thăm và thực chất quan hệ Nhật Việt tại thời điểm hiện nay.

Jean-Francois Sabouret: Tôi coi đây là một diễn biến mới trong việc làm mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Về mặt hình ảnh, chuyến thăm Nhật Bản lần này của thủ tướng Dũng nằm trong một hệ thống các chuyến thăm của nhiều nhân vật cao cấp của Việt Nam tới Nhật, trong đó phải nói tới chuyến thăm của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh mới đây và một loạt các chuyến công tác ở cấp Bộ trưởng của Việt Nam tới Nhật Bản, kể cả các chuyến chào xã giao Nhật hoàng.

Thực chất của chuyến thăm lần này của ông Dũng là khởi động lại các mối quan hệ kinh tế, tài chính, chính trị, hữu hảo và công nghệ.

Jean-Francois Sabouret

Thực chất của chuyến thăm lần này của ông Dũng là khởi động lại các mối quan hệ kinh tế, tài chính, chính trị, hữu hảo và công nghệ vốn đã bị bế tắc sau khi Nhật Bản tuyên bố ngừng cấp viện ODA.

Thế nhưng, chuyến thăm này vẫn nằm trong thời điểm kinh tế Việt Nam khó khăn trầm trọng trong khi kinh tế của Nhật Bản khủng hoảng và thoái trầm sâu sắc. Trong khi đó, khả năng, tiềm lực cạnh tranh sâu xa của các doanh nghiệp Trung Quốc trong khu vực vẫn không hề thuyên giảm. Đương nhiên, chúng ta cũng không quên bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang trùm lên nhiều cường quốc khác nói chung như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh v.v...

BBC: Nếu xem xét tương lai châu Á, đặc biệt với dự kiến hành lang công nghiệp Đông Á, việc Nhật Bản tiếp tục cấp viện và hợp tác với Việt Nam sẽ có lợi ích gì và có gây quan ngại nào cho một quốc gia thứ ba nào khác trong khu vực hay không, chẳng hạn như Trung Quốc?

Về mặt kinh tế, có thể nói thẳng rằng Nhật Bản rất quan ngại chứng kiến tốc độ gia tăng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, điều có thể đe dọa kinh tế của Nhật. Mặt khác, về lợi thế so sánh môi trường đầu tư, giá nhân công ở Việt Nam tương đối thấp hơn so với Trung Quốc, và nhiều doanh nghiệp Nhật nay thấy họ có thể chuyển các doanh nghiệp và đầu tư của họ vào Việt Nam tốt hơn là vun đắp cho chính kinh tế của địch thủ.

Và đương nhiên, nếu nhịp độ hợp tác tiếp tục duy trì, đây sẽ góp phần vào thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Không nên quên rằng, Việt Nam về lâu về dài trong khu vực có thể là một thế lực với một dân số năng động và trong vòng từ 20-30 năm nữa, có thể đạt được mức mà Nhật Bản đã trải qua trong thập niên 1970 - 1975.

Và trong một viễn cảnh từ 2-3 năm nữa, có thể cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ trở lại các vị trí áp sát Hoa Kỳ như những siêu cường kinh tế ở vị trí thứ hai, thứ ba thế giới, có thể các quan hệ với các quốc gia đang tăng trưởng như Việt Nam có thể giúp họ trong các dự án tái biểu dương sức mạnh kinh tế và hàng hóa Nhật Bản trên thị trường thế giới.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090521_japan_vietnam_strategy.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét